Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GDĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GDĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.


Điểm cầu Hà Nội trong cuộc đối thoại Bộ trưởng GDĐT với 1 triệu nhà giáo

Bộ trưởng Bộ GDĐT chủ trì sự kiện. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GDĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GDĐT; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các Phòng GDĐT địa phương.

Theo chương trình, sáng ngày 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cuộc gặp này ghi nhân có hơn 700.000 nhà giáo trên cả nước tham gia tại các điểm cẩu.

Phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự rất hồi hộp, căng thẳng Trải lòng trước buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ông hồi hộp vì "chưa làm điều này bao giờ" - đứng trước gần 1 triệu nhà giáo.

Bộ trưởng chia sẻ: "Có người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện này vì nhỡ không trả lời được hết ý kiến, mọi người sẽ thất vọng thì sao, hay "nhỡ miệng" thì sao. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cuộc gặp không phải là việc đối thoại giữa cấp quản lý với người lao động, "mà gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu mở đầu

Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể. Để  làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì  càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.

Cuộc gặp không thể trả lời hết các ý kiến trao đổi nhưng Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các cục, vụ phân tích các ý kiến gửi đến để có cách trả lời theo các nhóm vấn đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách.

Nhiều quan tâm về chính sách cho nhà giáo

Tại cuộc gặp gỡ, nhiều ý kiến liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…

Chia sẻ những khó khăn của đội ngũ giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên tỉnh Tiền Giang cho hay: Mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề khó khăn đội ngũ luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, để nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn nhưng với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Duyên mong rằng, trong thời gian sớm nhất, Bộ GDĐT sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm công tác trong giáo dục mầm non tại tỉnh Hậu Giang, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên chia sẻ: Trong thời gian qua, có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến lương, phụ cấp cho nghề giáo với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các ngành nghề, thu nhập của giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trong khi đó, lao động giáo viên mầm non mang nhiều tính chất đặc thù như thời gian lao động kéo dài, trung bình ngày làm việc từ 10-12 giờ. Công việc giáo viên mầm non là vừa nuôi, vừa dạy trẻ, chú ý, chăm sóc quan tâm từng trẻ, áp lực nặng nề. Do đó, những chính sách, ưu đãi về nghề giáo nói chung, giáo viên mầm non nói riêng cần sớm được thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp tác động trực tiếp tránh được tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc như hiện nay.


Toàn cảnh cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành

Đề cập đến vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong các trường học cô giáo Trần Thị Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối tượng nhân viên làm trong ngành giáo dục tuy ít, nhưng mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong nhà trường, nếu thiếu vị trí nào thì hoạt động đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn. Thực trạng hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống.

Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã quan tâm bằng các chính sách trong thời gian qua nhưng đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.

Bộ GDĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay. 

Về chế độ của nhân viên trường học, Bộ trưởng cho rằng: Dù là một phần quan trọng trong cơ sở giáo dục, nhưng phải xác định nhân viên trường học thu nhập sẽ thấp hơn so với nhà giáo và không được hưởng một số phụ cấp, như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên bởi các đặc thù công việc khác nhau. Bộ GDĐT đang có kiến nghị tăng một số vị trí việc làm; thống nhất cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục không thể tự quyết vấn đề lương mà cần phải làm việc với các bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cấp cao hơn.
                                                                                                                       Theo bài viết của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : c2.lat.yeb@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 49
Hôm qua : 43
Tất cả : 19695